Có thể bạn đã cảm thấy mình là “tay lái lụa”, nắm vững các kỹ thuật điều khiển xe. Vậy bạn thử kiểm tra xem câu trả lời của mình có giống với câu trả lời của những người vượt hàng trăm nghìn km mà chưa từng xảy ra tai nạn không?
1- Yếu tố nào là quan trọng nhất để lái xe?
Có 2 yếu tố.
+ Thứ nhất, đó là kiến thức kỹ thuật cao.
+ Thứ hai là khả năng phán đoán và đánh giá tình huống.
Để trở thành một tài xế giỏi, cần có 2 kỹ năng này và biết áp dụng chúng đồng thời.
2- Điều gì quan trọng hơn đối với tài xế – khoẻ mạnh về thể lực hay tinh thần?
Những yếu tố này không thể tách rời nhau. Phản xạ nhanh của tài xế không chỉ phụ thuộc vào cơ bắp , mà còn phụ thuộc vào nhận thức cần thực hiện thao tác này hay thao tác khác hay không.
3- Có tồn tại kỹ thuật đặc biệt nào được coi là ưu việt hơn các kỹ thuật lái xe khác?
Kỹ thuật lái xe tốt nhất được coi là kỹ thuật “tự vệ”. Người cầm lái càng cẩn thận và bình tĩnh thì lái xe càng an toàn. Tất nhiên, kiềm chế được mình trong làn xe cộ đông đúc không phải là chuyện dễ dàng, nhưng đó mới là đức tính của một tài xế giỏi.
4- Khoảng cách nào luôn phải giữ đối với các xe khác?
Phép tính rất đơn giản: một thân xe cho 15km/h của vận tốc. Cũng có cách tính đơn giản hơn – theo thời gian. Khoảng cách cần tính là 2 giây. Hãy chọn vật định hướng mà chiếc xe đi trước vừa chạy qua. Nếu xe của bạn chạy qua trước 2 giây thì có nghĩa là khoảng cách chưa đủ.
5- Vị trí tay trên vô-lăng thế nào được coi là đúng?
Người ta thường được dạy hãy coi vô-lăng như mặt đồng hồ và vị trí đúng nhất là tay trái đặt ở số 9, tay phải- số 2. Tuy nhiên, vị trí 10 và 3 được ưa thích hơn do đảm bảo độ cơ động cao hơn và cơ tay đỡ mỏi hơn – điều này rất quan trọng khi đi đường trường.
6- Trạng thái nào cho phép người lái “sẵn sàng” cho những chuyến đi xa nhiều giờ đồng hồ?
Phương pháp tốt nhất bảo đảm sự minh mẫn và phản xạ nhanh nhạy cho người lái chính là sự luôn sẵn sàng của toàn bộ cơ thể, hay cụ thể hơn là tư thế ngồi hợp lý. Không nên ngồi trong tư thế “co ro” và phải “lắng nghe” chiếc xe của mình bằng cả cơ thể. Vòng cua quá gấp sẽ được các cơ hông cảm nhận đầu tiên, còn sau đó mới đến tay cảm nhận “sự bất thường”. Chính vì vậy người lái phải ngồi trong tư thế thoải mái, nhưng không quá “thư giãn” để mất đi cảm nhận từ xe và mặt đường một cách kịp thời.
7- Có phải vận tốc tối đa ghi trên biển báo là luôn luôn đúng?
Không phải. Giới hạn vận tốc trên đường luôn được xác định đối với các điều kiện tối ưu, còn trong điều kiện giao thông đông đúc, trời tối hay đường xấu thì lẽ dĩ nhiên cần đi chậm hơn, nhơng cũng không nên quá chậm để tránh gây cản trở cho các xe khác. Tốt nhất nên đi với cùng tốc độ như các xe khác.
8- Rẽ trái như thế nào tại ngã tư đông xe cộ?
Không vội vã quay vô-lăng. Khi nhường các xe chạy ngược chiều nên giữ vị trí bánh xe thẳng. Đó là một trong các nguyên tắc an toàn cơ bản của kỹ thuật lái xe: nếu bánh xe quay sang trái thì khi bị đâm từ phía sau, xe sẽ bị hất sang làn đường ngược chiều và tai nạn là khó tránh. Trong trường hợp như vậy, xe của bạn sẽ chiếm nhiều chỗ hơn , tăng thêm độ nguy hiểm và cản trở các xe khác
9- Làm gì nếu xe phía trước thu hẹp khoảng cách an toàn?
Rất thường xảy ra việc xe bạn chạy sau chiếc xe nào đó với khoảng cách an toàn, nhưng tài xế trước “ cố tình” rút ngắn khoảng cách đó: bạn giảm tốc độ xe trước cũng giảm tốc độ. Khi đó phải luôn ghi nhớ rằng không bao giờ “cảm xúc” được vượt qua lý trí; hoặc báo hiệu xin vượt, hoặc bình tĩnh giữ khoảng cách an toàn.
Để thực sự trở thành một tài xế giỏi, cần phải ghi nhớ 3 nguyên tắc:
– Đường giao thông không phải đường đua, không phóng nhanh, vượt ẩu. Luôn lịch sự và giúp đỡ các tài xế khác vì không loại trừ khả năng có lúc bạn cũng cần sự giúp đỡ của họ.
– Không tự cô lập mình – hãy báo hiệu trước cho các tài xế khác về ý định của mình như chuẩn bị rẽ, vượt, đỗ…
– Luôn luôn biết mình đang làm gì – đó là nguyên tắc quan trọng nhất. Hãy nhớ rằng lái xe là công việc không dễ dàng và lái xe giỏi phải là lái xe an toàn.
Nguồn: Cẩm nang dành cho người điều khiển xe ô tô (NXB Giao thông vận tải)